Phạm Ánh Hồng

Nơi chia sẻ kinh nghiệm sales bất động sản, đầu tư nhà đất & mọi cảm xúc trong cuộc sống.

THIỀN VIPASSANA - HỒNG TRUNG SƠN

Các Bậc tổ sư thường dạy: "Giải thoát chỉ có thể chứng nghiệm nhờ hành trì thiền định, chứ không thể nào đạt được bằng sự bàn luận trên lý thuyết". Nhờ rèn luyện tu tập từng bước, người hành thiền sẽ dần dần có tâm bình thản và tự mình tìm thấy nghệ thuật sống an vui, sáng tạo và hạnh phúc.

          Trên thế gian này, ai ai cũng mong muốn mình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và chắc chắn không có người nào thích điều bất hạnh, đau khổ. Tuy nhiên, bản chất của sự sống vốn vô thường, luôn luôn thay đổi và không bao giờ vẹn toàn, nên mọi người dù giàu hay nghèo đều cảm thấy đau khổ. Vừa mới chào đời, chúng ta đã phải cất tiếng khóc. Tuỳ theo nghiệp lực cá nhân, chúng ta sẽ bị chi phối bởi những hoàn cảnh khó khăn hay đắm nhiễu, và từ đó càng trở nên tham sân, phiền muộn trong cuộc đời. Theo quy luật tự nhiên, loài người phải chung sống với nhau trong mối nhân duyên hỗ tương để sinh tồn, và dĩ nhiên mỗi khi buồn phiền người ta không thể tránh khỏi việc gây tổn thương hay làm mất lòng người xung quanh. Chính vì thế, dù sống trong bất cứ thời đại nào, con người vẫn luôn khao khát tìm kiếm một nghệ thuật sống như thế nào để có thể sống an vui và hoà hợp với nhau.

          Ngược dòng lịch sử, cách đây 26 thế kỷ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tự thân trải nghiệm con đường giải thoát, giác ngộ. Ngài đã tìm ra phương pháp đoạn tuyệt khổ đau và đạt được hạnh phúc tối thượng nhờ thực hành phương pháp Thiền Vipassana (Thiền tuệ). Đây là tiến trình chuyển biến tâm lý cá nhân hay thanh tịnh tâm bằng cách tự mình quán chiếu với tuệ giác. Mục tiêu tối hậu của Thiền Tuệ là con đường dẫn đến giải thoát mọi ràng buộc ngã chấp xuyên qua sự đoạn trừ tham, sân, si - cội nguồn của khổ đau. Người thực hành Thiền tuệ sẽ tự mình chuyển hoá nội tâm hướng đến cuộc sống an lạc và hài hoà; nhờ vậy họ sẽ góp phần xây dựng đời sống xã hội trở nên lành mạnh, hoà bình và thịnh vượng hơn.

Thiền tập Vipassana

Phương pháp mà Đức Phật đã thực tập, chính là quán niệm hơi thở.

Thiền sinh ngồi thẳng, nhắm mắt hoặc hơi nhắm, ý thức hơi thở ra vào nơi đầu mũi, chỉ chú tâm vào hơi thở, hơi thở thuần tuý. Thiền sinh chú ý vào hơi thở tự nhiên của mình càng lâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi thấy tư tưởng trôi dạt lang thang, hãy bình tĩnh kéo nó về hơi thở. Cứ thế, đừng căng thẳng cũng đừng nản chí, cứ tiếp tục chú ý vào hơi thở.

Tâm trí tiêu phí hầu hết thời gian vào việc sống lại các kinh nghiệm vui sướng hay buồn khổ đã qua, vào việc kiến tạo các ảo tưởng và dự đoán tương lai vì hào hứng hay lo sợ. Chúng ta không thể sống trong quá khứ, vì quá khứ đã trôi qua. Chúng ta cũng không thể sống trong tương lai, vì tương lai vượt quá tầm tay và chưa đến. Chỉ có thể sống trong hiện tại.

Ta có thể bắt đầu bằng cách thở hơi mạnh để chú ý dễ dàng hơn. Ngay sau khi việc ý thức vào hơi thở trở nên rõ ràng và ổn định, ta để cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc sâu hoặc cạn, hoặc nhanh hoặc chậm,... Nhờ duy trì về ý thức hơi thở tự nhiên, ta bắt đầu ý thức được các chức năng tự động của thân thể, hoạt động mà trước đây ta không hề hay biết. Hơi thở phản ánh tâm trạng của ta. Khi tâm bình ổn, hơi thở đều và nhẹ. Khi tâm bị các trạng thái tiêu cực xâm chiếm, hơi thở liền thô, nặng nề.

Là người tập thiền, hãy khôn ngoan chớ để mình thất vọng hay ngã lòng khi vấp phải các khó khăn, mà phải hiểu rằng cần có thời gian để thay đổi các thói quen thâm căn cố đế của nội tâm.

Khi định được củng cố, ta bắt đầu cảm thấy thư thái, hạnh phúc, tràn đầy sinh lực. Từng chút, từng chút một, hơi thở chuyển biến, trở nên êm ái, đều đặn, nhẹ nhàng.

Mời tham dự Khoá thiền 10 ngày tại núi Hồng Trung Sơn - Nam Cát Tiên.

Tham khảo: Pháp Đăng Thiền Tuệ

                    Phật Pháp Chân Thật