Phạm Ánh Hồng

Nơi chia sẻ kinh nghiệm sales bất động sản, đầu tư nhà đất & mọi cảm xúc trong cuộc sống.

Đi tìm lời giải cho bài toán Nhà ở xã hội

Sự khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đi tìm giải pháp hợp lý nhất.

Nhà ở xã hội là câu chuyện không mới, thậm chí còn được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc thảo luận về thị trường bất động sản. Nhu cầu về loại hình nhà ở này hiện đang rất lớn, nhất là tại các đô thị trung tâm như Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi, doanh nghiệp lại không mấy mặn mà vì nhiều lý do. Sắp tới đây, các chuyên gia cho rằng, cần phải tìm đường để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội hơn nữa.

Cơn khát nhà ở xã hội

Những con số biết nói…

Theo thống kê, tại Tp. Hồ Chí Minh hiện nay đang có khoảng 1,6 triệu công nhân sống trong các khu nhà trọ, cộng thêm nửa triệu sinh viên từ các tỉnh về học tập với 85% cũng chọn ở nhà người thân, thuê phòng trọ, nhà trọ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM trong Talkshow "Nhà ở cho công nhân, chuyện cho đến bao giờ?" đã cho biết: “Tp.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, với số lượng công nhân chỉ riêng các khu này lên đến hơn 280.000 lao động”.

Như vậy, so sánh với số liệu của Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP và Viện nghiên cứu phát triển TP, thì chỉ khoảng 20.000 công nhân/hơn 280.000 công nhân được ở trong nhà lưu trú công nhân có tính chất bài bản. Hơn 90% số lượng công nhân phải thuê nhà ở bên ngoài.

Hoặc ở những doanh nghiệp lớn như Pouyen ở quận Bình Tân, có quy mô lên đến hơn 80.000 công nhân, thậm chí có thời điểm lên tới 110.000 người; tỷ lệ công nhân thuê phòng trọ bên ngoài cũng chiếm hơn 80%.

Nhu cầu của thị trường đối với nhà ở xã hội lớn nhưng khi được hỏi, đa phần các doanh nghiệp BĐS đều than khó, nản vì đủ đường; trong đó, điển hình nhất là tỷ suất lợi nhuận thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo lời ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, tỷ suất lợi nhuận ở 1 dự án NOXH là 10-15%, trong khi tỷ lệ này với nhà ở thương mại lại cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, để tham gia dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải mất khoảng 5 năm, đánh đổi rất nhiều cơ hội.

Giải pháp được đưa ra

Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng đồng tình về xây dựng đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu của đề án là phát triển loại căn hộ có quy mô 25m2 tới trên dưới 50m2 với mức giá không vượt quá 25 triệu đồng/m2.

Các giải pháp cho nguồn cung nhà ở xã hội

Nếu đề án này được Chính phủ thông qua, Hiệp hội sẽ có đề nghị nhằm xây dựng một số cơ chế chính sách khác, liên quan đến thuê đất, tiền sử dụng đất. Các quy định hiện nay cho phép miễn giảm thuế VAT, thuế TNDN với các dự án nhà ở xã hội, hiệp hội sẽ theo hướng kiến nghị dự án nhà ở thương mại giá thấp cũng được hưởng các ưu đãi tương tự, với tỷ lệ có thể thấp hơn NOXH để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhiều quy định trong Nghị định 49 của Chính phủ ban hành năm 2021 không đúng với Luật Nhà ở. Cụ thể:

  • Nghị định mới quy định dự án diện tích từ 2ha trở lên thì phải làm dự án NOXH trong dự án (trước đây là 10ha), như vậy là bất khả thi.
  • Dự án dưới 2ha thì không phải thực hiện dự án NOXH, đây là quy định bất cập mà hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ.

Ngoài ra, sẽ cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, ban ngành để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đảm bảo yếu tố quyền lợi, doanh thu, lợi nhuận, khuyến khích tham gia phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho thị trường.

Xem thêm: