Động lực sống hay nghị lực sống là thứ con người ta mải miết đi tìm nhưng sự thật rằng, nó không phải là thứ xuất hiện và tồn tại mãi mãi. Vì sao ư? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
Nếu ai đã từng ngồi suy ngẫm về những câu nói tạo động lực, bạn sẽ cảm thấy sức sống mãnh liệt trào dâng trong mỗi câu từ. Nó như toa thuốc liều cao thôi thúc bạn hành động và lấy lại sự cân bằng ngay ở thời điểm “giác ngộ” sức mạnh phía sau thất bại, tuyệt vọng.
Thế nhưng, bạn có nhận ra, nếu bạn chỉ thức tỉnh trong suy nghĩ, thứ năng lượng ấy cũng dần mất đi và bạn phải lại rơi vào trạng thái thiếu động lực cuộc sống. Là do mọi thứ được thần thánh hóa hay chính bạn không hiểu về giá trị, bản chất thật của động lực trong cuộc sống?
Những quy luật bất biến của động lực sống
Động lực là yếu tố giúp bạn đi đến hành động hay lựa chọn, là yếu tố tạo ra động cơ. Động lực sống được hiểu là “sự thôi thúc từ bên trong” mỗi cá nhân, buộc cá nhân phải hành động. Nó được xem là niềm hy vọng hay một sức mạnh đầy mới mẻ, tạo ra nỗ lực đi đến kết quả cuối cùng.
Động lực không phải là thứ tồn tại mãi mãi hay luôn luôn xuất hiện. Nó cũng như việc ta đi tắm, phải thực hiện mỗi ngày. Cuộc sống càng khó khăn lại càng phải thường xuyên lên dây cót. Nếu để động lực sống mạnh mẽ mất đi, cảm giác tiêu cực sẽ dễ dàng xâm chiếm, khi ấy bản thân rất khó để vượt qua một lần nữa.
Động lực cho cuộc sống cũng là thứ tài sản thuộc về cá nhân. Dù bạn tài giỏi đến đâu cũng không thể thay đổi hoặc ép ai đó sống mạnh mẽ, lạc quan nếu bản thân họ không muốn như vậy. Động lực có sẵn ở dạng ngủ yên, ai đánh thức được nó, người ấy làm chủ được chính cuộc đời mình. Vậy nên, động lực sống mỗi ngày mạnh mẽ hay yếu ớt, chỉ chủ nhân của nó mới quyết định được.
Làm sao để luôn có động lực để sống
Ngừng suy nghĩ về nỗi sợ hãi
Lo lắng, bất an là những cảm xúc tiêu cực khiến con người đánh mất động lực một cách nhanh nhất. Sợ hãi khiến bạn trở nên sống không có mục đích và khiến cơ thể luôn mệt mỏi, kiệt sức. Lo lắng về những thứ xung quanh cũng như việc cầm ô giữa trời nắng, chưa biết trời có mưa hay không, chỉ biết bạn trở nên quá mệt mỏi vì phải thấp thỏm chờ đợi điều gì đó. Hãy dành thời gian suy nghĩ tiêu cực vào các hoạt động bên ngoài, tập trung vào sở thích cá nhân để thúc đẩy tinh thần lạc quan.
Thú vị hóa các mục tiêu
Vạch sẵn những mục tiêu lớn là bước đầu tiên bạn cần làm trong kế hoạch tạo ra động lực. Nhưng nếu quá cứng nhắc, đôi khi chúng sẽ trở thành áp lực cho bạn. Vì vậy, hãy biến việc hoàn thành mục tiêu là niềm vui, sự phấn khởi bằng cách thay đổi cách làm, cách suy nghĩ. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình phải thực hiện điều đó mà nên thay bằng mình sẽ vui vẻ trải nghiệm cùng chúng.
Tạo ra những điều tích cực xung quanh
Bạn có quyền lựa chọn về những người mà bạn tiếp xúc, môi trường mà bạn làm việc hoặc sinh hoạt. Nếu được, hãy loại bỏ những yếu tố tiêu cực từ người có thái độ sống “thoi thóp” vì ít hay nhiều, họ có sẽ tác động đến tâm trạng của bạn. Tự bao bọc mình bằng điều tích cực là cách khiến bạn tự tin và có thêm hy vọng vào mọi thứ. Tuy nhiên, đôi khi hãy biết cách tận dụng lối sống tiêu cực của người khác thành động lực cho mình, nỗ lực làm những điều mà họ cho rằng bạn không đủ khả năng.
Đơn giản mọi thứ nhất có thể
Đừng để những thất bại làm bạn nhụt chí. Thất bại là điều khó tránh khỏi và chúng sẽ phải xảy ra. Một lần thất bại không có nghĩa rằng những lần sau cũng thế, khó khăn đến với bạn một lần cũng không hẳn là luôn luôn. Sống đơn giản, nghĩ đơn giản, bạn sẽ gạt bỏ những “tạp chất” khiến tâm trạng tồi tệ hơn. Khi bạn thất bại, chỉ nên cho phép mình tủi thân trong 15 phút và sau đó, hãy nhìn nhận nó như một bài học ý nghĩa, là cơ sở để mình làm tốt hơn trong những lần sau.
Động lực sống không tự sinh ra cũng không tự mất đi, tất cả phụ thuộc vào thái độ và tinh thần của bạn. Duy trì cho mình một nghị lực sống là điều kiện quan trọng nếu bạn muốn cuộc đời mình trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn.
Xem thêm: