Phạm Ánh Hồng

Nơi chia sẻ kinh nghiệm sales bất động sản, đầu tư nhà đất & mọi cảm xúc trong cuộc sống.

Hạnh phúc chính là sự cho đi

Cho đi chính là nhận lại, sự cho đi mang đến những giá trị mới cho cuộc sống, giá trị có được từ lòng vị tha và sự chia sẻ.

“Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp sẽ và hạnh phúc hơn”Albert Schweitzer. Nhiều người cho rằng, cho là mất, những gì được nhận mới gọi là hạnh phúc. Nhưng cuộc sống vô thường, suy nghĩ chỉ muốn nhận tạo nên cách sống ích kỷ và tầm thường.

Hạnh phúc với mỗi người là không có chuẩn mực để cân đo đong đếm. Có người tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé, bình dị nhưng cũng có người mưu cầu điều lớn lao, vĩ đại hơn. Cách tạo ra niềm vui khác nhau, dựa trên điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người, vì vậy mà tính chất của những niềm vui ấy cũng khác biệt, có thứ tạm bợ nhất thời, nhưng lại có giá trị trường tồn mãi mãi.

Trong nhiều cách tạo ra hạnh phúc, có một cách mà vốn dĩ ai ai cũng có thể tự mình làm được, đó là chấp nhận sự cho đi. Có thể với từng tình huống, cách gọi sẽ không đồng nhất nhưng cho đi chính là mang những thứ mình có đến cho người khác - người có nhu cầu và khát khao sở hữu hơn mình.

Vì sao lại nói hạnh phúc chính là sự cho đi? Bằng việc chúng ta chia sẻ điều tốt đẹp của bản thân, học cách sống biết cảm thông cũng chính là lúc ta hoàn thiện bản thân mình, gột rửa những điều tiêu cực.

Cho đi sẽ xóa bỏ lòng tham và sự ích kỷ: tham lam là cội nguồn của mọi đau khổ. Khi bản thân lúc nào cũng thấy thiếu thốn, ham muốn có nhiều hơn những gì đang sở hữu chỉ khiến lòng người mãi luẩn quẩn trong suy nghĩ hèn mọn, nhỏ nhen. Khi chỉ muốn vun vén cho bản thân, ta không còn thời gian và sự tỉnh táo để nhìn cuộc sống ngoài kia, rằng biết bao người khốn khổ hơn ta đang chật vật để duy trì sự sống đến mức nào. Một khi bị lòng tham chế ngự, ích kỷ sẽ lên ngôi. Theo triết lý nhà Phật, lòng tham và sự ích kỷ là hai điều xấu có thể hủy hoại một con người. 

Thay vì ôm tâm trạng nơm nớp lo sợ rằng ai đó đến cướp đi những thứ của mình, chỉ cần học cách chấp nhận chữ “đủ”, san sẻ bớt điều tốt đẹp mình đang có, một cách tự nhiên, bạn không cần phải sợ “bị mất” nữa.

Cho đi chính là tạo cơ hội cho rất nhiều người khác: đừng bao giờ nghĩ rằng phải có thật nhiều tiền, cho đi thật nhiều của cải mới gọi là chia sẻ. Sự đồng cảm đôi khi bắt nguồn từ một nụ cười, một cái nắm tay, hay chiếc bánh, nắm xôi,... Hãy cho thứ người khác cần, không phải cho thứ ta dư thừa. Trong cho đi không phân biệt giàu nghèo. Những người nhiều tài sản chưa chắc họ có đủ lòng trắc ẩn để sẻ chia. Người thiếu thốn vật chất nhưng bên trong lại là tấm lòng bao dung, rộng lượng. Khi cho đi cũng là lúc ta truyền động lực cho người khác, để họ thấy rằng xã hội này vẫn sống với nhau bằng tình thương. Tôi tin, một cử chỉ nhỏ hôm nay cũng có thể là động lực to lớn cứu vớt lấy tâm hồn bên bờ vực thẳm. Chan hòa mà sống, đời tự khắc sẽ nhẹ nhàng.

Vậy cho đi có nhất thiết phải nhận lại? Một khi cho đi nhưng trong lòng suy tính liệu có được báo đáp và báo đáp bao nhiều thì có lẽ, sự cho đi ấy không bao giờ mang hạnh phúc đến được. Nhiều người vẫn trách móc rằng cho đi làm gì khi cuộc đời này vẫn luôn bất công với tôi. Bạn cần gì hơn ngoài một tâm hồn thanh tịnh, thoải mái với những điều đã làm? Cớ sao phải đòi hỏi  sự trả công khi làm việc tốt vì vốn dĩ, nó đã được chính người khác ghi nhận.

Cuộc đời này vốn có quy luật, Nhân Quả rõ ràng, vậy nên, học cách sống an nhiên với chữ Tâm sẽ tốt hơn bon chen để so đo thiệt hơn. Hạnh phúc khởi nguồn từ những phút nhẹ lòng như vậy. Thế nên, hãy cứ cho đi khi còn có thể.

Xem thêm: