Phạm Ánh Hồng

Nơi chia sẻ kinh nghiệm sales bất động sản, đầu tư nhà đất & mọi cảm xúc trong cuộc sống.

Văn hóa ứng xử nhìn từ đại dịch Corona

Những ngày qua, đại dịch corona đang tạo nên sự xáo trộn không nhỏ cho tình hình xã hội các nước. Không đơn thuần như mối lo ngại dành riêng cho ngành y tế, từ đại dịch này chúng ta còn được nhìn thấy nhiều thứ hơn thế - gọi là văn hóa ứng xử.

“Chống dịch như chống giặc”, Việt Nam chúng ta tuy tình trạng nhiễm bệnh chưa quá nghiêm trọng, vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát nhưng cơ chế phòng ngừa vẫn tích cực diễn ra, nhằm tạo thế chủ động cho tình trạng xấu nhất. Dưới tác động của truyền thông và mạng xã hội, những lo lắng về dịch bệnh ngày một tăng cao; với tâm lý chung, người dân hành xử theo hướng tự bảo vệ mình không có gì là sai cho đến khi hàng loạt hệ lụy phát sinh. Cách chúng ta ứng xử với nhau giữa mùa dịch đang phản ánh rất rõ những sự phân hóa đạo đức đang tồn tại trong xã hội.

Sự lãng quên đạo đức kinh doanh

Để chủ động phòng ngừa corona, khẩu trang y tế và nước rửa tay là hai mặt hàng được người dân tìm mua ráo riết. Nhu cầu tăng cao khi nguồn hàng bất ngờ khan hiếm, hàng chục nhà thuốc, đơn vị phân phối xem đây là thời cơ để kinh doanh siêu lợi nhuận. Từ đơn giá vài chục ngàn, những hộp khẩu trang y tế lần lượt bị đẩy giá lên vài trăm ngàn. Để bảo vệ cho sức khỏe của mình, không ít người vẫn cắn răng mua, nhưng với những ai không mấy dư dả, ngày lo 3 bữa còn khó khăn thì có lẽ, họ hoàn toàn mất đi quyền tự bảo vệ chính mình…

Thậm chí, khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều đơn vị còn tỏ ra bất bình và có sự phản kháng ngay lập tức bằng thông báo “Tại đây không bán khẩu trang y tế + Nước rửa tay”. Một vài cá nhân kinh doanh còn kêu gọi nhau “đoàn kết”, ngừng cung cấp và được "hưởng ứng tích cực”. Chưa xét đến dưới góc độ pháp lý, chỉ thấy rằng đồng tiền bây giờ có giá trị lớn quá, lấp mất cả tình người và đạo đức. 

May mắn thay, nghĩa cử cao đẹp vẫn luôn hiện hữu

Trái ngược với cách nghĩ cách làm tiêu cực của một bộ phận người kinh doanh, không hiếm những cá nhân, doanh nghiệp lại mang đến sự đóng góp đáng trân quý cho xã hội ở thời điểm này.

Một số nhà thuốc tư nhân vẫn giữ nguyên giá gốc, thậm chí là phát miễn phí hàng ngàn chiếc khẩu trang y tế cho người dân, kèm theo nước muối, cồn sát khuẩn. Với người dân mà nói, giữa lúc khó khăn như thế này thì chẳng nghĩa cử nào đẹp và ấm áp hơn thế. Những ai kêu gọi “tẩy chay khách hàng” giờ chắc cũng chẳng cần phải tốn công hô hào, bởi xã hội sẽ để chính họ tự đào thải mình.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ để sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế nhằm bình ổn giá thị trường. Dự kiến, trong thời gian tới, Công ty Dệt Kim Đông Xuân (đơn vị thành viên) sẽ cung ứng ra thị trường 300 - 400 nghìn sản phẩm/ngày; với giá bán 7.000 đồng cho 30 lần tái sử dụng. Dù mức giá này gần như không mang lại lợi nhuận nhưng phía nhà cung cấp vẫn giữ nguyên giá bán và chất lượng.

Đặc biệt, trong thời điểm này, nhiều học sinh sinh viên tại các thành phố lớn được tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Hàng chục chuyến xe 0 đồng đưa đón sinh viên các tỉnh ngay lập tức nhận được sự cảm kích lớn từ người sử dụng. Hành động trên nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội như một lời cảm ơn và ghi nhận như câu chuyện truyền cảm hứng giữa lúc cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Không có văn bản nào ghi lại những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, bắt buộc rằng phải đối xử với nhau ra sao, như thế nào. Mỗi người một ngành nghề, một xuất phát điểm nhưng chúng ta có chung dòng máu “con Rồng cháu Tiên”, cùng lớn lên trên chiếc nôi mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc. Đây chính là lúc mà tinh thần dân tộc cần được nêu cao thay vì sống bằng những tư tưởng ích kỷ, thiếu nhân văn.

Xem thêm: