Phạm Ánh Hồng

Nơi chia sẻ kinh nghiệm sales bất động sản, đầu tư nhà đất & mọi cảm xúc trong cuộc sống.

Vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Miệt thị ngoại hình

Trong xã hội mà nhu cầu thể hiện bản thân ngày càng phổ biến như hiện nay, không hiếm số đông bộ phận cá nhân sử dụng chúng để tạo các xu hướng mang tính tác động lớn đến cộng đồng. Tích cực có, tiêu cực có. Họ đang lấy các chuẩn mực tự đặt để bàn luận và đánh giá.

Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất hiện nay chính là “trào lưu” miệt thị ngoại hình, có tên quốc tế là Body shaming. Tôi không thể hiểu, cái đẹp tự bao giờ đã trở thành trò đùa của những nhân cách tệ hại đến vậy.

Body Shaming là gì?

Miệt thị ngoại hình hiểu đơn giản là việc chê bai, chế giễu ngoại hình của người khác bằng ngôn ngữ hoặc hình thức tương tự tới mức nạn nhân bị tổn thương và khó chịu. Thậm chí, nó cũng có thể là hệ quả từ việc chính bản thân tiếp nhận quá nhiều bình phẩm, dẫn đến tự miệt thự ngoại hình của chính mình.

Body shaming tạo ra một dạng thức tâm lý mà ở đó chúng ta luôn tự ti, xấu hổ và chán ghét những khuyết điểm trên cơ thể mình, bởi chúng bị người khác nhìn thấy và họ buồn cười vì điều đó.

Vì sao Body shaming lại thành xu hướng?

Không khó để trào lưu này nhanh chóng lan nhanh nhờ sự phát triển của hệ thống thông tin và mạng xã hội như hiện nay. Một số cá nhân không đồng tình, lên án hành vi trái đạo đức này thì cũng một nhóm số đông người cảm thấy hào hứng, bị thu hút và tích cực tham gia, tìm kiếm “trò mua vui”. Hơn 80% số lời miệt thị diễn ra trên Facebook, Instagram hay Twitter. Đáng buồn là cách thức gián tiếp này lại khiến họ thấy dễ dàng và thú vị hơn.

Ai có thể trở thành nạn nhân của Body shaming

Thật nực cười, rằng miệt thị ngoại hình lại xuất phát từ những cảm nhận rất chi là cá nhân, và nạn nhân không hề có một giới hạn nào, chỉ cần không “vừa mắt”, họ hoàn toàn có thể trở thành nhân vật chính.

Thậm chí, bạn là người rất bình thường nhưng qua quá trình nghiên cứu của kẻ đi miệt thị, bạn lại bất ngờ “sở hữu” những khuyết điểm mà theo họ là đi ngược chuẩn mực xã hội. Họ không ngừng dùng lời lẽ chê bai, đẩy tâm lý nạn nhân đến tột cùng của sự xấu hổ, lo lắng. Trong khi đó, bản thân người nói lại cảm thấy tự hào khi họ đang dùng “chuyên môn” để đánh giá rất khách quan về ai đó, cứ thể như họ sở hữu những thứ tốt đẹp nhất trên đời.

Làm sao để vượt qua nỗi ám ảnh này?

Thực tế, body shaming là trò điên rồ của những kẻ hư hỏng về nhân cách. Chẳng có gì hay ho khi đem khuyết điểm của người khác ra bàn luận trong khi thời gian đó họ có thể học lại cách làm người. Với những lời nói xuất phát từ kẻ ngông cuồng như vậy, tại sao chúng ta phải đặt nặng?

Bạn chỉ dễ dàng bị thua cuộc trước kẻ “dị hợm” kia bởi sự thiếu tự tin về chính mình. Chúng ta là con người, do đó, không thể tránh khỏi những thiếu sót, bởi nếu như hoàn hảo, có lẽ ta đã được liệt kê vào thành phần khác rồi chăng? Vì vậy, không một ai có thể cầu toàn tuyệt đối ở chúng ta khi họ cũng là một cá thể chưa toàn vẹn. 

Bạn có thể bỏ ngoài tai những lời nói vô nghĩa ấy bằng việc thay đổi không khí, giao lưu với bạn bè để lấy lại tinh thần, tiếp thêm động lực và sự lạc quan trong cuộc sống. Hãy nghĩ rằng, sự chê bai của họ là tiền đề để chúng ta sống tốt hơn, xinh đẹp hơn. Mọi thứ có thể thay đổi. Chuẩn mực của cái đẹp không hẳn là phải giống ai đó, trở thành ai đó mà đơn giản là sự phù hợp và thoải mái. Tin tôi đi, bọn họ chỉ có thể ngồi nói và hô hào, làm gì có đủ tư cách để định hướng sống cho người khác. Có người khen thì cũng có kẻ chê, chúng ta không sống để làm hài lòng tất cả.

Xem thêm: